Sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá là quyền của mọi người. Bởi vậy, tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức, tiến tới chuyển đổi hành vi của người hút thuốc lá là trách nhiệm không của riêng ai.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ nam giới hút thuốc cao nhất trên thế giới... Thuốc lá gây ra 25 căn bệnh khác nhau cho người hút thuốc, trong đó có nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, bệnh tim mạch, bệnh hô hấp và ảnh hưởng tới sức khoẻ sinh sản. Hút thuốc thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm ở cả người lớn và trẻ em. Nếu như ở người lớn, hút thuốc thụ động gây ung thư phổi, các bệnh về tim mạch, ung thư vú, bệnh động mạch vành, xơ vữa động mạch, gây các triệu chứng kích thích đường hô hấp, tăng nguy cơ đẻ non và trẻ đẻ ra nhẹ cân... thì ở trẻ em, hút thuốc thụ động có thể gây viêm đường hô hấp, hen, viêm tai giữa, đột tử ở trẻ sơ sinh, kém phát triển chức năng phổi và làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại bệnh khác.
|
Xây dựng môi trường không khói thuốc đang trở thành xu thế chung và được nhiều tỉnh/thành phố, cơ quan, đơn vị hưởng ứng. Sống và làm việc trong môi trường không khói thuốc lá là biện pháp hữu hiệu để thực hiện quyền của người không hút thuốc được hít thở bầu không khí trong lành không có khói thuốc lá. Đồng thời giúp người nghiện thuốc lá có thêm quyết tâm để bỏ thuốc hoặc giảm mức độ hút thuốc lá.
Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực từ ngày 01-5-2013 đã quy định mọi người dân đều có quyền được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá; yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá; phản ánh hoặc tố cáo cơ quan, người có thẩm quyền không xử lý hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.
Để phòng, chống tác hại thuốc lá ngoài những nghĩa vụ trên, mọi người dân phải có trách nhiệm không thực hiện các hành vi bị nghiêm cấm như: Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu; Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức;
Thực thi nghiêm chỉnh Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá là bảo vệ sức khỏe của chính mình và mọi người.
(Nội dung tin được trích dẫn từ Báo Công thương số ra ngày 20/12/2021)