Cảng vụ đường thủy nội địa TP. Hồ Chí Minh
Vị trí và tên gọi
1. Cảng vụ đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Cảng vụ đường thủy nội địa) là đơn vị sự nghiệp công lập có thu, có tư cách pháp nhân, có trụ sở riêng, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước và ngân hàng theo quy định của pháp luật để giao dịch, phục vụ thu phí cảng biển và hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa. Được ngân sách nhà nước cấp kinh phí cho các nhiệm vụ không thường xuyên và một phần kinh phí nhiệm vụ thường xuyên; được sử dụng nguồn thu phí để lại và các nguồn thu hợp pháp khác để đảm bảo hoạt động theo chức năng nhiệm vụ được giao.
2. Cảng vụ đường thủy nội địa chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Giao thông vận tải; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và hướng dẫn về chuyên môn của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam và các cơ quan chức năng có liên quan.
3. Tên gọi:
Tên tiếng Việt: Cảng vụ đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh.
Tên giao dịch tiếng Anh: HO CHI MINH CITY INLAND WATERWAY PORT AUTHORITY, viết tắt là: HCMC IWPA
Trụ sở: Số 167 đường Lưu Hữu Phước, phường 15, quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh.
Website: http://www.cangvudtndhcm.gov.vn
Nguyên tắc hoạt động
1. Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Giao thông vận tải về toàn bộ hoạt động của Cảng vụ đường thủy nội địa theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Quy chế này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, các Điều ước quốc tế mà Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Đảng bộ Cảng vụ đường thủy nội địa hoạt động theo Điều lệ Đảng Cộng Sản Việt Nam và các quy định của Đảng phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
3. Công đoàn Cảng vụ đường thủy nội địa được tổ chức và hoạt động theo Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
4. Đoàn Thanh niên Cảng vụ đường thủy nội địa được tổ chức và hoạt động theo Luật Thanh niên, Điều lệ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các quy định của Đoàn phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 3. Phạm vi quản lý
Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại:
1. Cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu (sau đây gọi là cảng, bến) nằm trên các tuyến đường thủy nội địa địa phương do Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
2. Cảng, bến nằm trên tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng nối với đường thủy nội địa do thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
3. Cảng, bến trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy nội địa địa phương do Thành phố Hồ Chí Minh quản lý.
4. Cảng, bến khác do Bộ Giao thông vận tải giao hoặc ủy quyền.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN
Chức năng
Cảng vụ đường thủy nội địa thực hiện chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến nhằm bảo đảm việc chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an ninh, an toàn giao thông đường thủy nội địa và bảo vệ môi trường.
Điều 5. Nhiệm vụ
1. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện thủy nội địa (sau đây gọi là phương tiện), phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ trong vùng nước cảng, bến.
2. Kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện hoạt động đối với:
a) Phương tiện, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ về an toàn, an ninh và bảo vệ môi tr¬ường, bao gồm: các loại giấy tờ, thiết bị, dụng cụ theo quy định;
b) Thuyền viên và người lái phương tiện, bao gồm: Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn, danh bạ thuyền viên;
c) Phương tiện, thiết bị xếp dỡ hàng hóa, người điều khiển thiết bị xếp dỡ hàng hóa, bao gồm: Giấy tờ phương tiện, thiết bị, chứng chỉ chuyên môn của người điểu khiển phương tiện, thiết bị xếp dỡ.
3. Cấp Giấy phép, lệnh điều động, kế hoạch điều động tàu thuyền cho phương tiện, tàu biển, thủy phi cơ, phương tiện thủy nước ngoài vào, rời cảng bến thủy nội địa, khu neo đậu.
4. Tiếp nhận và thông báo tình hình luồng, tuyến cho ph¬ương tiện, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ tại cảng, bến.
5. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện những quy định của pháp luật về giao thông vận tải đường thủy nội địa.
6. Kiểm tra điều kiện an toàn đối với cảng, bến, luồng chuyên dùng, báo hiệu và các công trình khác có liên quan trong phạm vi cảng, bến; khi phát hiện dấu hiệu mất an toàn phải thông báo cho tổ chức, cá nhân có trách nhiệm kịp thời xử lý.
7. Giám sát việc khai thác, sử dụng cảng, bến bảo đảm an toàn; yêu cầu tổ chức cá nhân khai thác cảng, bến tạm ngừng khai thác hoặc kiến nghị đình chỉ hoạt động cảng, bến khi xét thấy có ảnh hưởng đến an toàn cho người, phương tiện hoặc công trình.
8. Tổ chức tìm kiếm, cứu ngư¬ời, hàng hóa, phương tiện, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ bị nạn trong vùng nư¬ớc cảng, bến.
9. Chủ trì kiểm tra, giám sát thực hiện kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu tại cảng, bến và các phương tiện, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ hoạt động trong vùng nước Cảng vụ đường thủy nội địa quản lý; tham gia lập biên bản, kết luận nguyên nhân tai nạn, sự cố xảy ra trong vùng nước cảng, bến; yêu cầu các bên liên quan khắc phục hậu quả tai nạn.
10. Tổ chức thu phí, lệ phí áp dụng tại cảng, bến; thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ công ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định của pháp luật.
11. Thẩm định hồ sơ đánh giá an ninh cảng thủy nội địa, thẩm định kế hoạch an ninh cảng thủy nội địa.
12. Theo dõi, giám sát việc xếp hàng hóa lên phương tiện, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ trong vùng đất, vùng nước cảng, bến.
13. Phê duyệt phương án đảm bảo an toàn giao thông đối với hoạt động nạo vét trong vùng nước đường thủy nội địa. Chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan thực hiện công tác bảo đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong khu vực cảng, bến.
14. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện; tham gia xây dựng quy hoạch phát triển đường thủy nội địa, cảng, bến trong phạm vi quản lý khi có yêu cầu.
15. Quản lý, sử dụng tài sản, kinh phí, định biên được giao và thực hiện chế độ thống kê, báo cáo theo quy định.
16. Thực hiện xác nhận trình báo đường thủy nội địa.
17. Thực hiện gia hạn thời gian lưu lại lãnh thổ Việt Nam cho phương tiện vận tải thủy của Campuchia.
18. Tham mưu cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải trong việc đình chỉ hoạt động cảng, bến (trừ bến khách ngang sông).
19. Tham mưu cho Giám đốc Sở Giao thông vận tải trong việc đề xuất, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các quy định về giao thông vận tải đường thủy nội địa tại cảng, bến.
20. Tham mưu đề xuất kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cảng, bến theo địa bàn quản lý.
21. Thực hiện nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án được cấp thẩm quyền giao.
22. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao hoặc ủy quyền.
Quyền hạn
1. Yêu cầu tổ chức, cá nhân khai thác cảng, bến tạm ngừng khai thác khi xét thấy có ảnh hưởng đến an toàn cho người, phương tiện hoặc công trình.
2. Quy định nơi neo đậu cho phương tiện, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ trong vùng nước cảng, bến. Không cho phương tiện, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ ra, vào cảng, bến khi cảng, bến hoặc phương tiện, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ không bảo đảm điều kiện an toàn, an ninh và bảo vệ môi trường hoặc cảng, bến không đủ điều kiện hoạt động theo quy định của pháp luật.
3. Huy động phương tiện, thiết bị, nhân lực trong khu vực cảng, bến để tham gia cứu người, hàng hóa, phương tiện, phương tiện thủy nước ngoài, tàu biển, thủy phi cơ trong trường hợp khẩn cấp và xử lý ô nhiễm môi trường trong phạm vi cảng, bến.
4. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
5. Thực hiện các quyền hạn khác do Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Giao thông vận tải và Giám đốc Sở Giao thông vận tải giao hoặc do quy định pháp luật.
Tác giả bài viết: Phòng TCHC