Thu phí hạ tầng
THÔNG TIN LIÊN HỆ
Cảng vụ Đường thủy nội địa

Cảng vụ Đường thủy nội địa


Thu phí hạ tầng Cảng, biển


Chi bộ số 1 tổ chức chương trình về nguồn, dâng hương, dâng hoa khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò tại ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh

Thứ sáu - 07/10/2022 08:36 897 0
Hòa chung không khí những ngày cuối tháng 9; chào mừng kỷ niệm 77 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến 23/9/1945 – 23/9/2022; nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, nhằm giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí chống giặc ngoại xâm của quân và dân ta, qua đó phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua học tập, rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến về ý thức, rèn luyện tu dưỡng và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong mỗi đảng viên, viên chức, người lao động tại Chi bộ.

Thực hiện chương trình công tác năm 2022 của Chi bộ số 1, ngày 30/9/2022 Chi bộ số 1 tổ chức chương trình về nguồn năm 2022 tại khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò tại ấp 1, xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh. Tại đây đoàn đã dâng hương, dâng hoa Đài tưởng niệm trận Láng Le – Bàu Cò và nhà bia ghi danh các chiện sĩ đã hy sinh cho độc lập dân tộc. Cũng tại nơi đây đoàn đã được nghe thuyết trình về khu di tích: tại khu di tích này cách đây hơn 70 năm, rạng sáng 15-4-1948, thực dân Pháp đã huy động khoảng 3.000 quân xâm lược tinh nhuệ, nhiều phương tiện, vũ khí hiện đại đồng loạt tấn công Láng Le bằng nhiều hướng. Trong khi đó, lực lượng vũ trang cách mạng tại Láng Le - Bàu Cò bấy giờ chỉ được trang bị vũ khí thô sơ, lực lượng nhỏ, chỉ gồm có 4 đại đội thuộc Trung đoàn 308 (Chi đội 15), 2 tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 306 - Phạm Hồng Thái, Trung đội nữ binh, Quốc vệ đội, dân quân du kích tại địa phương,… nhưng lại có một lợi thế rất lớn, đó là: địa hình và lòng dân của một vùng Tam Tân rộng lớn (Tân Kiên, Tân Tạo, Tân Nhựt) thể như “Thiên la địa võng” dù thực dân Pháp có biết, nhưng chưa đề ra được phương án tác chiến nào hữu hiệu để phá được thế hiểm này. Với lòng dũng cảm, mưu trí và thao lược, dựa theo địa hình và được sự hỗ trợ hết lòng của nhân dân, cuộc chiến diễn ra càng lúc càng bất lợi cho giặc. Đến 14 giờ thế trận đã hoàn toàn khác, từ thế bị bao vây, ta đã chuyển sang chủ động tấn công và rút toàn bộ lực lượng về rừng Bà Vụ an toàn. Láng Le ngày ấy đã đào sâu nấm mồ chôn 300 tên giặc xâm lược. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân đoàn kết một lòng, đã tạo nên chiến công Láng Le có một giá trị nhất định về mặt nghệ thuật quân sự; là trận đánh báo hiệu không thể thắng được của giặc đối với dân tộc Việt Nam nói chung và nhân dân Trung Huyện - Bình Chánh anh hùng nói riêng. Bước sang giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Láng Le - Bàu Cò vẫn là nơi hiểm hóc đối với Mỹ - Ngụy. Các nhà quân sự Mỹ biết rõ một điều: “Láng Le còn Việt Cộng thì Thành phố Sài Gòn không dễ an toàn”. Ngày 14-4-1966, theo tình báo, nằm trong kế hoạch tìm và diệt, Mỹ - Ngụy đã dùng trực thăng đổ xuống vành đai ấp 1, xã Tân Nhựt một tiểu đoàn biệt động quân. Hỗ trợ cho lực lượng này gồm có máy bay phản lực, pháo binh với ý đồ dùng lực lượng mạnh tiêu diệt lực lượng nhỏ. Bấy giờ lực lượng của ta chỉ còn Đại đội 2, Tiểu đoàn 6 Bình Tân và một tiểu đội du kích xã Tân Nhựt. Sau 18 năm, lịch sử đã lập lại trên vùng đất Láng Le anh hùng này. Từ thế bị tấn công chuyển lên thế chủ động tấn công; trong trận đánh này ta đã tiêu diệt và làm tan rã tiểu đoàn biệt động ngụy. Cũng tại căn cứ Vườn Thơm - Bà Vụ, vùng Láng Le nơi đây là một trong những cánh quân hùng hậu tiến vào nội đô Sài Gòn góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Ban Thường vụ Thành ủy Sài Gòn - Gia Định ra nghị quyết chuẩn bị cho chiến dịch, với vị trí cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, quân dân Bình Chánh vinh dự được giao nhiệm vụ tiếp đón các binh đoàn về đứng chân để tiến công giải phóng Sài Gòn. Công sức nhỏ góp phần vào thắng lợi lớn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Đảng, tấm lòng quân dân cùng Láng Le - Bàu Cò thể hiện rõ qua lời nhận định của đồng chí Trần Văn Giàu: “Tân Tạo, Tân Túc, Tân Kiên, Tân Nhựt trống trải lắm, không vườn, không rừng, chỉ có ruộng và cỏ, nhưng lòng dân là rừng núi” góp phần cùng quân dân cả nước làm nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Nhớ về vùng Láng Le là nhớ về vùng sông nước, đầm lầy, là nhớ về người lính vệ quốc vô cùng thân thương, chỉ có nóp với giáo và lòng yêu nước nồng nàn; là nhớ về những người mẹ, những người cha, người anh, người chị chân lấm tay bùn, lam lũ quanh năm nhưng vẫn một lòng một dạ theo Đảng để bảo vệ căn cứ Vườn Thơm. Đó còn là nhớ về đội quân ban đầu còn non trẻ, nhưng thể hiện được sự chỉ huy năng động, mưu trí, sáng tạo tận dụng được lợi thế địa hình, địa vật để phát huy ưu thế. Bên cạnh đó là tình nghĩa gắn bó giữa quân và dân đã tạo nên một Láng Le: “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” - yếu tố của mọi thành công và chiến thắng. Thời gian đi qua, nhưng chiến công Láng Le - Bàu Cò đã ghi vào trang sử vàng trong công cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm.

Chuyến hành trình về nguồn tại khu di tích lịch sử Láng Le – Bàu Cò ấp 1 đã giúp mỗi đảng viên, viên chức tại Chi bộ số 1 ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, đồng thời vun đắp thêm tình cảm về lòng biết ơn và sự trân trọng đối với các Anh hùng liệt sĩ đã sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là buổi sinh hoạt dã ngoại thiết thực, để tập thể Chi bộ số 1 tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, gương mẫu, hoàn thiện bản thân hơn nũa, hết lòng phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước, phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, bảo vệ nền pháp chế xã hội chủ nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Một số hình ảnh trong chương trình về nguồn của Chi bộ số 1:
5 1
5 2
 
5 3

Tác giả bài viết: Đại diện 1

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây