Thủ tục đối với tàu biển Việt Nam và tàu biển nước ngoài nhập cảnh vào cảng thủy nội địa

a) Trình tự thực hiện:
Bước 1: Chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu, thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền (người làm thủ tục) chuẩn bị hồ sơ và nộp trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ tại Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh thuộc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh (địa chỉ: 167 Lưu Hữu Phước, phường 15, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh) hoặc thực hiện bằng Fax, khai báo điện tử, thông qua hệ thống bưu chính (điện thoại: 39514708, fax: 39514248).
Thời gian tiếp nhận và trả kết quả: 24/24 giờ các ngày trong tuần, kể cả ngày lễ, tết.
Bước 2: Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, tiếp nhận hồ sơ:
+ Trường hợp hồ sơ đã đầy đủ, hợp lệ thì tiếp nhận hồ sơ.
+ Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì hướng dẫn người làm thủ tục hoàn thiện hồ sơ.
Bước 3: Giải quyết hồ sơ:
Chậm nhất 01 giờ, kể từ khi người làm thủ tục đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định. Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh cấp Lệnh điều cho tàu vào cảng thủy nội địa. Trường hợp không chấp thuận phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
b) Cách thức thực hiện: Nộp trực tiếp tại Cảng vụ Đường thủy nội địa Thành phố Hồ Chí Minh hoặc thực hiện bằng Fax, khai báo điện tử, thông qua hệ thống bưu chính. (Điều 62 Nghị định 21/2012/NĐ-CP)
c) Thành phần, số lượng hồ sơ: 
- Thành phần hồ sơ (theo Điểm d Khoản 2 Điều 54 của Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012), bao gồm:
Các giấy tờ phải nộp bao gồm (bản chính):
+ Bản khai chung (Mẫu số 03);
+ Danh sách thuyền viên (Mẫu số 04);
+ Bản khai hàng hóa nguy hiểm (nếu có - Mẫu số 07);
+ Giấy phép rời cảng;
+ Bản khai an ninh tàu biển (Mẫu số 02);
* Các giấy tờ phải xuất trình (bản chính):
+ Giấy chứng nhận đăng ký tàu thuyền;
+ Các giấy chứng nhận về an toàn kỹ thuật của tàu theo quy định;
+ Chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên theo quy định;
+ Sổ thuyền viên hoặc giấy tờ có giá trị tương đương;
+ Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ tàu về ô nhiễm môi trường, nếu là tàu chuyên dùng vận chuyển dầu mỏ, chế phẩm từ dầu mỏ hoặc các hàng hóa nguy hiểm khác;
+ Giấy chứng nhận an ninh tàu biển theo quy định;
- Số lượng hồ sơ: 01 (bộ)
d) Thời gian giải quyết: Chậm nhất 01 giờ, kể từ khi người làm thủ tục đã nộp, xuất trình đủ các giấy tờ theo quy định (Điểm d Khoản 2 Điều 54 Nghị định 21/2012/NĐ-CP).
đ) Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính: Chủ tàu hoặc người quản lý tàu, người thuê tàu, người khai thác tàu, thuyền trưởng hoặc người được ủy quyền (người làm thủ tục).
e) Cơ quan thực hiện thủ tục hành chính: Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh.
g) Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Lệnh điều động
h) Phí, lệ phí:
- Phí trọng tải: theo mức biểu đính kèm;
- Phí bảo đảm hàng hải: theo mức biểu phí đính kèm.
- Lệ phí ra, vào cảng thủy nội địa: (theo Khoản 1 Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BTC)
+ Tàu thuyền có dung tích toàn phần nhỏ hơn 100 GT: 5 USD/lượt;
+ Tàu thuyền có dung tích toàn phần từ 100 GT đến dưới 500 GT: 10 USD/lượt;
+ Tàu thuyền có dung tích toàn phần từ 500 GT đến 1000 GT: 25 USD/lượt;
+ Tàu thuyền có dung tích toàn phần trên 1.000 GT: 50 USD/lượt.
i) Tên mẫu đơn, mẫu tờ khai, mẫu kết quả giải quyết:  
- Thông báo tàu đến cảng thủy nội địa (mẫu 01);
- Bản khai an ninh tàu biển (mẫu 02);
- Bản khai chung (mẫu số 03);
- Danh sách thuyền viên (mẫu 04);
- Bản khai hàng hóa nguy hiểm (mẫu 07).
- Lệnh Điều động (mẫu số 13)
k) Yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính: 
+ Chậm nhất 08 giờ trước khi tàu dự kiến đến cảng thủy nội địa, người làm thủ tục gửi cho Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh Thông báo tàu đến cảng (theo Mẫu số 01) (Khoản 1 Điều 51 Nghị định 21/2012/NĐ-CP.)
+ Riêng đối với tàu biển chở hàng có tổng dung tích từ 500 GT trở lên, tàu chở khách và giàn di động ngoài khơi hoạt động tuyến quốc tế phải gửi Cảng vụ Đường thủy nội địa Bản khai an ninh tàu biển (theo Mẫu 02) chậm nhất 24 giờ trước khi tàu dự kiến đến cảng thủy nội địa (Khoản 3 Điều 51 Nghị định 21/2012/NĐ-CP).
+ Việc thông báo tàu biển đến cảng thủy nội địa được miễn thực hiện đối với các tàu thuyền đến cảng thủy nội địa trong các trường hợp: (Khoản 4 Điều 51 Nghị định 21/2012/NĐ-CP).
• Cấp cứu thuyền viên, hành khách trên tàu;
• Tránh bão;
• Chuyển giao người, tài sản, tàu thuyền đã cứu được trên biển hoặc đường thủy;
• Khắc phục hậu quả sự cố, tai nạn hàng hải, đường thủy;
• Các trường hợp cấp thiết khác (thuyền trưởng phải thông báo ngay cho Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh biết về lý do, mục đích tàu thuyền đến cảng thủy nội địa).
+ Chậm nhất 02 giờ trước khi tàu dự kiến đến vùng đón trả hoa tiêu hoặc vùng neo đậu, người làm thủ tục phải xác báo cho Cảng vụ đường thủy nội địa biết chính xác thời gian tàu đến cảng thủy nội địa. Trường hợp có người ốm, người chết, người cứu vớt được trên biển hoặc có người trốn trên tàu, trong lần xác báo cuối cùng người làm thủ tục phải thông báo rõ tên, tuổi, quốc tịch, tình trạng bệnh tật, lý do tử vong và các yêu cầu liên quan khác. (Khoản 1 Điều 52 Nghị định 21/2012/NĐ-CP). Việc xác báo tàu biển đến cảng thủy nội địa không áp dụng đối với các tàu thuyền được miễn thực hiện việc Thông báo tàu đến. (Khoản 3 Điều 52 Nghị định 21/2012/NĐ-CP).
+ Sau khi nhận được xác báo tàu thuyền đến cảng biển, Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh phải thông báo ngay cho các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khác biết để phối hợp. (Khoản 2 Điều 52 Nghị định 21/2012/NĐ-CP)
+ Chậm nhất 02 giờ, kể từ khi nhận được xác báo tàu đã đến vị trí đón trả hoa tiêu, Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa căn cứ vào loại tàu, cỡ tàu, loại hàng hóa, cầu cảng và kế hoạch điều độ của cảng, kế hoạch dẫn tàu của tổ chức hoa tiêu, chỉ định vị trí neo đậu cho tàu biển trong vùng nước cảng thủy nội địa để bốc, dỡ hàng hóa hoặc đón trả hành khách. Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa quyết định việc thay đổi vị trí neo đậu của tàu thuyền trên cơ sở đề nghị của thuyền trưởng. Việc điều động tàu biển vào cảng thủy nội địa được thực hiện theo kế hoạch điều động tàu hàng ngày của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa. Việc điều động tàu trong vùng nước cảng thủy nội địa được thực hiện bằng Lệnh điều động (theo Mẫu số 13). Trường hợp khẩn cấp, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa có quyền điều động tàu thuyền bằng VHF, điện thoại hoặc các phương tiện thông tin liên lạc phù hợp khác. (Điều 53 Nghị định 21/2012/NĐ-CP).
+ Chậm nhất là 02 giờ, kể từ khi tàu thuyền đã vào neo đậu an toàn tại vị trí theo chỉ định của Giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh  người làm thủ tục nộp hồ sơ để làm thủ tục cho tàu thuyền nhập cảnh tại Cảng vụ đường thủy nội địa thành phố Hồ Chí Minh. (Điểm c Khoản 2 Điều 54 Nghị định 21/2012/NĐ-CP)
+ Đối với tàu khách hoặc trường hợp có đủ cơ sở để nghi ngờ tính xác thực của việc khai báo về kiểm dịch của tàu thuyền hoặc tàu thuyền đến từ những khu vực có dịch bệnh liên quan đến người, động vật hoặc thực vật, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan tiến hành thủ tục theo quy định tại tàu theo quy định. (Điểm b Khoản 2 Điều 54 Nghị định 21/2012/NĐ-CP)
l) Căn cứ pháp lý của thủ tục hành chính:
- Nghị định 21/2012/NĐ-CP ngày 21/3/2012 của Chính phủ quy định về quản lý cảng biển và luồng hàng hải.
- Thông tư 01/2016/TT-BTC ngỳ 05/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về phí, lệ phí hàng hải và biểu thu phí, lệ phí hàng hải.

Biểu mẫu đính kèm
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây